©Hellangle504: Người phương Đông uống trà

Người phương Đông uống trà

Trên thế giới, uống trà đã trở thành thói quen của nhiều dân tộc và cách thưởng thức cũng mỗi nơi một khác. Song, thưởng thức trà đến mức trở thành một nghệ thuật thì có lẽ phải kể tới các dân tộc phương Đông, trong đó có Việt Nam ta
Nếu như ở các dân tộc châu Âu, châu Mỹ… người ta chỉ chủ yếu uống trà đã qua chế biến với một cách thức hết sức bình thường, thì cái đặc sắc của con người phương Đông là chủ yếu uống trà mộc (tức là trà nguyên trấu) với những nghi thức và tập quán cầu kỳ, phong phú.
 
Chẳng hạn, ở Nhật Bản, tập quán uống trà được hình thành từ thế kỷ XV, dần dần được phát triển và nâng lên thành “đạo”, gọi là “trà đạo”. Điều đó cũng có nghĩa là ứng với mỗi đạo giáo khác nhau sẽ tồn tại một cách thức uống trà khác nhau, thể hiện trong đó quan niệm riêng  biệt của “đạo” mình. Và do đó, cũng tạo nên một hệ thống những nghi thức uống trà rất phong phú và phức tạp.
Trong khi đó, ở Trung Quốc – nơi sản sinh ra cây trà theo truyền thuyết – thì việc uống trà không chỉ đem lại hương vị thơm ngon kỳ thú mà người ta còn lấy việc uống trà hay thông qua “tiệc trà” để bộc lộ tư tưởng, tình cảm, để luận bàn thế sự, giãi bày quan điểm về mặt này, mặt khác của đời sống xã hội và cũng là một thú vui tinh thần vừa tao nhã, vừa sâu sắc.
Về nguồn gốc của cây trà thì truyền thuyết có kể rằng: Bồ Đề Đạt Ma vào một hôm ngồi thiền, mặc dù hết sức tập trung tư tưởng cho việc tu đạo, nhưng ngài vẫn thấy buồn ngủ vô cùng, đến nỗi hai mắt cứ nhắm tịt lại, không sao cưỡng được. Có lẽ vì quá bực bội về chuyện ấy nên ngài bèn “bóc” ngay cặp mắt của mình xuống đất, ngay sát nơi ngài ngồi. Một thời gian sau, ngay chỗ đó bỗng mọc lên một loại cây lạ chưa ai thấy bao giờ. Cũng là “tò mò” thôi, các đệ tử liền hái lá của cây đó đem sắc với nước sôi rồi uống thử. Kỳ lạ thay, sau khi uống, mọi người đều cảm thấy tinh thần tỉnh táo, sảng khoái hơn và đặc biệt là họ thức suốt đêm vẫn không thấy buồn ngủ. Cây trà và việc uống trà được lan truyền từ đó. Tuy vậy, người khởi xướng “trà đạo” ở Trung Quốc lại chính là LÃO TỬ với những nghi lễ rất phức tạp và tỉ mỉ mà một bài viết khó có thể diễn tả đầy đủ. Còn về cách thức chế tác trà thì có lẽ không ai và không ở đâu có sự cầu kỳ như cách của các đệ tử phái Thiền Tông ở Trung Hoa xưa. Lá trà chỉ được hái ở một loại cây trà đặc biệt mọc ở trên một số đỉnh núi cao chót vót, quanh năm mây mù che phủ và người làm được việc đó không chỉ là những thanh niên khỏe mạnh mà còn dũng cảm, tài ba. Việc sao tẩm loại trà này cũng hết sức cầu kỳ và luôn luôn được giữ bí mật. Ở Trung Quốc tồn tại rất nhiều loại trà nổi tiếng mà tên gọi của nó cũng khiến người ta phải hứng thú tìm hiểu như: “Hầu trà”, “Trinh nữ trà”… Nhưng nổi danh hơn cả là loại trà có tên gọi “Trẩm mã trà”, được lấy ra từ bụng của một con ngựa trắng sau khi cho nó ăn một loại trà đặc biệt, rồi đem sao tẩm hết sức cầu kỳ. Đương nhiên những loại trà nổi tiếng như vậy thì người thưởng thức trà không ai khác ngoài những tầng lớp quý tộc, vua quan quyền quý. Và chính tính chất cầu kỳ, nghi thức phức tạp và “xa hoa” ấy đã tạo nên tính nghệ thuật của việc thưởng thức trà mà không phải nơi nào trên thế giới cũng có được.
Ở Việt Nam ta, uống trà cũng đã là một thói quen từ lâu và dân ta cũng chỉ uống trà nguyên chất. Tuy chưa phải là “Trà đạo” như ở Nhật hay ở Trung Quốc, song việc uống trà ở Việt Nam cũng đã trở thành một nghệ thuật. Ngay từ xa xưa, ông cha ta cũng đã lấy “tiệc trà” làm cơ hội để cùng nhau đàm đạo việc đời. Thông qua việc thưởng thức trà mà cảm nhận, đánh giá tính cách, quan niệm sống cũng như tâm tư tình cảm của con người. Loại trà được dùng cũng rất nhiều, tùy theo cách chế tác mà có tên gọi khác nhau, ví như trà ướp hương sen, trà ướp hương nhài… Mà ngay cả cách ướp cũng rất phong phú và cầu kỳ, mỗi nơi một khác. Người sành trà không chỉ cần có trà ngon, nước tinh khiết mà còn hết sức cẩn thận trong việc chuẩn bị những dụng cụ pha trà, uống trà, vừa bảo đảm chất lượng cao, vừa phù hợp về quy mô thưởng thức.
Còn gì thú vị hơn khi ta được ngồi thưởng thức chén trà tuyệt hảo, hương bay thơm nức, vị đậm tận đáy lòng với người bạn tri âm giữa một khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng, mát lành để rồi chỉ còn lại cái thư thái của tâm linh, cái ngọt ngào của hương đời sâu nặng. Chén trà nghệ thuật quả đáng quý biết bao. Bởi với nó, cái chân, cái thiện của con người được giữ gìn và nâng cao. 

Đặng Đình Chấn
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...